Trẻ tuổi teen không còn là trẻ con mà cũng không hẳn là người lớn. Điều này làm đau đầu các bậc phụ huynh khi phải tìm các phương pháp giáo dục hiệu quả để hướng con theo con đường đúng đắn nhưng vẫn không gây áp lực quá lớn cho chúng. Đâu là cách tốt nhất các bậc cha mẹ có thể áp dụng? Hãy khám phá ngay sau đây!
Trẻ tuổi teen có những đặc điểm về thể chất và tâm lý như thế nào?
Một trong những mốc phát triển của trẻ vị thành niên chính là những thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc, cách tương tác và phát triển cơ thể. Vào thời gian này, hầu hết bé gái sẽ hoàn thiện về mặt thể chất và dậy thì hoàn toàn. Trong khi đó bé trai thì vẫn trong thời kì phát triển thể chất. Con bạn sẽ bắt đầu quan tâm về vóc dáng và cân nặng cũng như hình thành quan điểm và cá tính độc lập. Bên cạnh đó, chúng dần quan trọng hóa những mối quan hệ với bạn bè, và hình thành các sở thích khác một khi có nhận thức rõ ràng hơn về bản thân. Đây cũng là thời điểm quan trọng để tạo tính tự lập và có trách nhiệm. Nhiều thanh thiếu niên bắt đầu làm việc và sớm rời xa mái ấm gia đình sau khi hết bậc trung học.
Về mặt giao tiếp xã hội và tâm lý, trẻ tuổi teen thường có những thay đổi sau:
- Cảm thấy thu hút với người khác giới;
- Ít xung đột với cha mẹ;
- Tỏ ra ít phụ thuộc cha mẹ;
- Có khả năng quan tâm, chia sẻ nhiều hơn cũng như phát triển những mối quan hệ thân thiết hơn;
- Dành nhiều thời gian với bạn bè hơn thay vì với cha mẹ;
- Dễ cảm thấy buồn và suy sụp hơn, điều này có thể dẫn đến kết quả kém ở trường, sử dụng thuốc và đồ uống có cồn, quan hệ tình dục không an toàn và vô số những vấn đề khác.
Về khả năng tư duy và học hỏi, con trẻ thường có xu hướng:
- Xây dựng những thói quen làm việc;
- Quan tâm hơn về công việc và học tập trong tương lai;
- Đưa ra lý do cho lựa chọn của mình, gồm cả việc đâu là đúng, đâu là sai.
Mẹ nên dạy con trong giai đoạn dậy thì những điều gì?
Dưới đây là những điều bố mẹ cần trao đổi và chia sẻ với con đang trong giai đoạn dậy thì:
- Trò chuyện với con bạn về các vấn đề khiến con bận tâm và chú ý đến những thay đổi trong cách cư xử của chúng. Bạn cũng nên thường xuyên quan sát xem con có hay tỏ ra chán nản, suy sụp không để con có cảm giác bạn có quan tâm đến cảm xúc của con cái. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý khi cần thiết;
- Quan tâm đến việc học cũng như các lớp ngoại khóa của con và khuyến khích chúng tham gia các hoạt động chẳng hạn như thể thao, âm nhạc, kịch nghệ hoặc mỹ thuật;
- Động viên con bạn làm tình nguyện viên và tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương;
- Khen ngợi, tuyên dương những nỗ lực và thành tựu mà con đạt được;
- Gợi ý cho con xây dựng sở thích và dành thời gian bên con;
- Biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con;
- Khuyến khích con tìm cách giải quyết những vấn đề, giúp con bạn đưa ra những quyết định đúng đắn. Tạo cơ hội cho con tự quyết định những việc riêng, đồng thời luôn ở bên đưa ra lời khuyên và hỗ trợ;
- Nếu con bạn mải mê với game, phòng chat, tin nhắn, bạn hãy khuyến khích trẻ đưa ra những quyết định đúng đắn về việc sử dụng hợp lí thời gian trên mạng cũng như chọn lọc nội dung những gì mình đăng trên mạng xã hội;
- Nếu con muốn đi làm, bạn nên tìm cơ hội để nói chuyện với con về những kì vọng, trách nhiệm, và cách thể hiện sự tôn trọng khi làm việc trong một môi trường cộng đồng.
- Trò chuyện và giúp con bạn đưa ra những kế hoạch trước mắt khi gặp những tình huống khó khăn. Bạn cũng nên bàn luận về những điều con nên làm nếu chơi chung với nhóm bạn, trong đó có người sử dụng thuốc, bị trầm cảm hoặc áp lực tình dục, hay đi quá giang người đang say xỉn,…;
- Tôn trọng sự riêng tư của con bạn;
- Khuyến khích con bạn ngủ đủ, tập thể thao và thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và khỏe mạnh.
Bạn hãy luôn nhớ điều đầu tiên và quan trọng nhất trong cách nuôi dạy là bảo đảm an toàn cho con bạn, sau đó là một sức khỏe tốt. Trẻ sẽ vô cùng hạnh phúc khi thấy bố mẹ luôn là người bạn đồng hành tuyệt vời của trẻ đấy!